The WWF is run at a local level by the following offices...
- WWF Global
- Adria
- Argentina
- Armenia
- AsiaPacific
- Australia
- Austria
- Azerbaijan
- Belgium
- Bhutan
- Bolivia
- Borneo
- Brazil
- Bulgaria
- Cambodia
- Cameroon
- Canada
- Caucasus
- Central African Republic
- Central America
- Chile
- China
- Colombia
- Croatia
- Democratic Republic of the Congo
- Denmark
- Ecuador
- European Policy Office
- Finland
Nos Nouvelles
Ngành khai thác cá ngừ: đường đi của sự bền vững trong bối cảnh thời COVID-19
Mặc dù Ngày Cá ngừ Thế giới năm nay không được tổ chức rộn ràng, nhưng nó lại rơi vào một thời điểm quan trọng trong lịch sử nhân loại, khi mà con người cuối cùng cũng hiểu ra chúng ta và hệ sinh thái phụ thuộc lẫn nhau đến nhường nào.
Hoặc ít nhất đó là một câu chuyện hay được nhắc tới gần đây. Giống như những ai đang làm việc trong các Tổ chức Phi Chính phủ về môi trường, tôi vẫn giữ được sự lạc quan. Tôi tin rằng, sau khủng hoảng COVID-19, sau tất cả những đau thương, tang tóc và sự cách ly xã hội rộng khắp chưa từng thấy, một kỷ nguyên mới về sự giác ngộ môi trường sẽ mở ra. Và tôi cũng có một hy vọng như vậy cho tương lai của nghề khai thác cá ngừ - và tất cả các loại hải sản khác – hiện đang chẳng có gì chắc chắn cả.
Nếu có điều gì đó chắc chắn thì đó là toàn bộ ngành thủy sản đang bị lung lay đến tận cốt lõi, trong đó các cộng đồng ngư dân khai thác quy mô nhỏ - vốn dễ bị tổn thương và ít khả năng thích ứng - sẽ chịu tác động lớn nhất. Đối với cá ngừ, tình cảnh hiện nay không quá xấu. Các doanh nghiệp nhìn chung tránh được những tác động tiêu cực nhất, hoặc ít bị tác động hơn trong bối cảnh nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu thuỷ sản sụt giảm. Đặc biệt, lĩnh vực cá ngừ đóng hộp có sự tăng trưởng mạnh do nhu cầu do dự trữ.
Trong bối cảnh suy thoái lớn trên toàn cầu đang diễn ra, ngành đã có những sáng kiến và nỗ lực phục hồi tốt. Một số công ty đang chuyển đổi dòng sản phẩm chính sang những sản phẩm có nhu cầu cao hơn từ thị trường, hoặc đòi hỏi ít nhân công hơn. Nhiều công ty chuyển sang tập trung bán và giao hàng trực tuyến, thay thế các giao dịch trực tiếp với nhà hàng. Khi các quán sushi đóng cửa trên toàn thế giới, một số công ty tìm cách thiết lập những trạm đông lạnh tại các chợ địa phương để cung cấp nhiều loại hải sản phổ biến.
Đối với cá ngừ vây vàng Việt Nam, các tác động mang nhiều sắc thái hơn. Phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu sang các siêu thị châu Âu và các nhà bán lẻ khác (ví dụ: phi lê cá ngừ đông lạnh) - nói chung vẫn hoạt động tốt, mặc dù có sự gia tăng khối lượng sản phẩm đông lạnh bị giữ lại trong kho. Nhưng đối với các nhà cung cấp cho ngành dịch vụ nhà hàng và thực phẩm, hai tháng vừa qua là cơn ác mộng, tương tự như những gì ngành thủy sản đang trải qua với hàng loạt đơn hàng bị huỷ bỏ, không có đơn đặt hàng mới và không có dấu hiệu rõ ràng khi nào tình hình sẽ được cải thiện.
Điều này có nghĩa như thế nào đối với sự bền vững của ngành?
Khi khủng hoảng dịch COVID-19 xảy ra, ngành cá ngừ Việt Nam vẫn duy trì được sự lạc quan nhưng cẩn trọng, như tinh thần toàn quốc khi các biện pháp giãn cách xã hội đang được nới lỏng. Dự án Cải thiện nghề Khai thác cá Ngừ Đại dương Việt Nam (FIP) – được thực hiện bởi WWF, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước – đã hoàn thành đánh giá toàn diện về tiến độ dự án vào tháng 1/2020, với những kết quả rất tốt bao gồm: bước tiến lớn trong triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc FIP, có nhiều nỗ lực để đáp ứng quy định pháp luật về giám sát trên tàu khai thác cá ngừ. Các chương trình ghi nhật ký hành trình bắt đầu được triển khai rộng rãi, đặc biệt các nỗ lực trong các hoạt động giảm thiểu tác động lên các loài khai thác không chủ đích, trong đó có các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, bị đe dọa và cần được bảo vệ (ETP), đang tạo được hiệu quả lớn trong bảo tồn ngoài khơi.
Như vậy, trong một thế giới hậu COVID, tương lai cho ngành cá ngừ bền vững ở Việt Nam sẽ ra sao, và làm thế nào chúng ta có thể bảo vệ (và phát triển) thành quả đã được cải thiện này? Tuy có những ảnh hưởng chưa thực sự rõ nét, nhưng chắc chắn đại dịch đã nhắc nhở chúng ta rằng sinh kế và an ninh lương thực có mối liên kết không thể tách rời với sự bền vững. Vì thế, một ngày nào đó, khi nhìn lại, chúng ta có thể sẽ thấy rằng thời điểm này là một dấu mốc quan trọng trong cách con người tương tác với các hệ sinh thái thiết yếu, nhưng đây không phải là điều kiện tiên quyết cho một tương lai của hải sản bền vững. Thực tế chúng ta đã hiểu tốt cái gì có thể làm được cho hiện tại và tương lai hậu COVID: giải pháp mang lại lợi ích kinh tế cho xã hội lẫn bảo tồn.
Chúng ta không nên lảng tránh một thực tế là để đạt được sự bền vững, sẽ phải có đánh đổi và sẽ có những lựa chọn khó khăn. Chắc chắn điều đó sẽ xảy ra. Chúng ta cũng biết rằng ngay trong thời điểm khủng hoảng kinh tế (và sau đó nữa), sự bền vững khó có thể là một điều mà doanh nghiệp và người tiêu dùng theo đuổi. Nhưng phát triển bền vững đã nằm trong tay của chúng ta, đã được chứng minh, rất lâu trước khi đại dịch xảy ra, và ngày càng trở lên thuyết phục hơn.
Một ví dụ điển hình là sự chuyển đổi dần dần của việc sử dụng lưỡi câu vòng trong nghề khai thác cá ngừ Việt Nam. Lưỡi câu vòng - còn gọi là lưỡi chữ C - đã được chứng minh giúp giảm thiểu số lượng rùa biển bị khai thác không chủ đích lên đến 80% so với lưỡi chữ J truyền thống. Đây là một cách khá đơn giản để giảm thiểu tỷ lệ tử vong cho các loài rùa biển nguy cấp. Đồng thời chúng cũng khá hiệu quả trong khai thác cá ngừ, do lưỡi chữ C khó bị nuốt sâu vào đường ruột của cá, vì vậy sẽ tăng chất lượng thịt cá, giảm lượng lưỡi câu bị mất, tăng giá trị cho các nhà khai thác và là động lực để ngư dân tiếp tục sử dụng giải pháp này. Lưỡi câu vòng không phải là giải pháp mới mà đã được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới (v.d. Nam Thái Bình Dương) trong nhiều thập kỷ qua - vì giúp tăng sản lượng và chất lượng cá ngừ.
Truy xuất nguồn gốc là một khía cạnh khác có tiềm năng thành công cao. Đây là khả năng theo dõi một sản phẩm từ điểm gốc đến điểm bán cuối cùng, với tất cả thông tin về giao dịch và di chuyển đều được ghi lại. Đối với ngành thủy hải sản, truy xuất nguồn gốc, từng là một công cụ không bắt buộc, đã trở thành một công cụ thiết yếu để chứng minh tính hợp pháp và xác minh tính an toàn thực phẩm--một chuẩn mực bắt buộc cho nhiều thị trường. Hệ thống truy xuất nguồn gốc, theo định nghĩa, hỗ trợ cải thiện việc thu thập những dữ liệu thiết yếu trong quản lý nghề cá, đồng thời liên kết với các yêu cầu bền vững khác.
Không quá khó để tin rằng hệ thống truy xuất nguồn gốc trong thế giới hậu COVID sẽ trở thành công cụ quan trọng, nhận được nhiều hỗ trợ và nguồn lực hơn nữa. Sự lo lắng về tính minh bạch trong chuỗi cung ứng và đối với sức khoẻ cộng đồng, chứ không phải về tính bền vững, của người tiêu dùng sẽ thúc đẩy ngành thuỷ sản (đặc biệt tại Việt Nam) và chính phủ tăng cường nỗ lực áp dụng các công cụ này.
Con đường phía trước hậu Covid
Việc chuyển đổi sang sử dụng lưỡi câu vòng sẽ không thể đảm bảo sự bền vững của ngành nếu như không có những biện pháp khác đi kèm, như chiến lược quản lý khai thác cá ngừ. Cũng như vậy, nếu chỉ có hệ thống truy xuất nguồn gốc, mà thiếu trách nhiệm từ phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, thì chắc chắn sẽ không giải quyết được hết các vấn đề. Thêm vào đó, các biện pháp giúp ngành cá ngừ phát triển bền vững không phải là một đơn thuốc cho tất cả các nghề khai thác khác. Các thách thức đối với những doanh nghiệp hoặc người đánh bắt quy mô nhỏ và thô sơ tại Việt Nam – chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước và hoạt động trong nhiều điều kiện khác nhau – rất khác biệt. Nhưng nhớ rằng bền vững là con đường chứ không phải đích đến.
Nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng sự thực là trong bất kỳ thử thách nào cũng luôn có cơ hội mở ra. Ví dụ điển hình nhất là đại dịch COVID đã khiến mọi người phải ở nhà – do đó giúp cải thiện đáng kinh ngạc mức độ ô nhiễm môi trường mà ai cũng có thể thấy được ở các thành phố lớn từ Los Angeles đến Delhi hay Hà Nội. Điều này cho chúng ta hy vọng rằng, sau khi nhìn thấy một môi trường trong lành là như thế nào, những chuẩn mực của xã hội về môi trường sẽ tăng cao và ở cấp độ quản lý sẽ có rất nhiều thứ chúng ta có thể học được và áp dụng. Ví dụ, tại nhiều khu vực biển trên thế giới, áp lực đánh bắt đã suy giảm đáng kể, tạo điều kiện cho chúng ta có thể đánh giá và đưa ra đề xuất “cấm khai thác tạm thời” đối với những nguồn lợi đang bị khai thác quá mức. Dữ liệu như vậy có thể cung cấp những hiểu biết quý giá về làm thế nào để quản lý nghề cá tốt nhất.
Trong ngày Cá ngừ Thế giới hôm nay, với nhiều rủi ro đang chờ ở phía trước, hãy ghi nhớ những gì chúng ta đã học được. Khi chúng ta phải đối diện với biến đổi khí hậu, hãy cùng nhau phấn đấu hơn nữa để thích ứng và để xây dựng khả năng phục hồi cho hệ sinh thái và cho các cộng đồng ngư dân. Khi chúng ta đang trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay, hãy đảm bảo rằng ngành công nghiệp này và các cơ quan quản lý không hạ thấp các tiêu chuẩn bền vững (và vì vậy cần làm việc với họ để nâng cao các tiêu chuẩn này). Chúng ta hãy tìm cảm hứng từ ngư dân, nhà quản lý và doanh nghiệp, những người đã đã tìm ra con đường để thích ứng với những đổi thay do nghịch cảnh gây nên. Trong kỷ nguyên nơi mà con người cần việc làm hơn bao giờ hết, hãy thúc đẩy các đầu tư thông minh để hướng tới sự bền vững.
Và nếu thực tế hậu COVID là nơi một thế giới kết nối cuối cùng cũng thức tỉnh để giải quyết vấn đề bền vững, hãy thử tưởng tượng những điều tốt đẹp xảy ra như thế nào. Chúng ta hãy theo đuổi điều đó với một tinh thần cởi mở, sự khôn ngoan để cho thấy phẩm chất tốt nhất của mình. Và ngay cả trong thời kỳ bất ổn nhất, hãy đừng bao giờ đánh mất tầm nhìn mà chúng ta đã xây dựng nên.
Keith Symington (Điều phối viên FIP Quốc tế, WWF)

© Brian J. Skerry / National Geographic Stock / WWF
Cá ngừ vây vàng

© WWF-Viet Nam
Đừng để rùa biển mắc câu (Infographic)
Téléchargements